Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tiếp tục khẳng định: Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là một trong những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị. Đây chính là mầm mống của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Điều đó cho thấy, trong mọi giai đoạn cách mạng, việc học tập lý luận chính trị có vai trò và ý nghĩa quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứu và học tập lý luận chính trị là một yêu cầu cần thiết, cấp bách, thường xuyên và lâu dài đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Lý luận có vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng, dẫn dắt hoạt động thực tiễn. Học tập và nghiên cứu lý luận chính trị nhằm cung cấp cho người học thế giới quan, phương pháp luận cách mạng và khoa học, từ đó vận dụng vào thực tiễn cuộc sống và công việc để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đúng đắn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của học tập lý luận chính trị, có biểu hiện ít quan tâm, xem nhẹ, coi thường việc học tập lý luận chính trị; xác định động cơ, mục đích học tập lý luận chính trị không đúng đắn, học không vì mục đích tự thân bù đắp những tri thức, kỹ năng còn thiếu, mà học vì lý do thăng tiến, hoàn thiện bằng cấp, đáp ứng tiêu chuẩn được đề bạt, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn. Bằng cấp trong những trường hợp như vậy vô tình trở thành vật trang trí, làm đẹp hồ sơ, không còn là thước đo trình độ lý luận, thậm chí bị mất tác dụng, phản tác dụng.
Không ít trường hợp không nắm vững đường lối, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ quan dẫn đến giải quyết công việc kém hiệu quả, thậm chí phương hại đến lợi ích của tập thể hoặc cá nhân khác. Một bộ phận cán bộ, đảng viên lúng túng, xa rời sự chỉ đạo của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, chậm triển khai hoặc triển khai thực hiện không đến nơi đến chốn, để lại hậu quả nghiêm trọng. Nội dung học tập lý luận chính trị chưa được cán bộ, đảng viên chú trọng vận dụng vào thực tiễn quá trình công tác.
Như vậy, việc lười học tập lý luận chính trị là một trong những biểu hiện suy thoái rất nguy hiểm, nó làm cho cán bộ, đảng viên không nắm được đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương, biện pháp lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng, nghị quyết của Đảng dù rất đúng đắn, nhưng chậm được thực hiện. Thậm chí có những trường hợp, cán bộ, đảng viên không nắm chắc, hiểu sâu chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, nên khi tiếp xúc với quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng, không ít cán bộ, đảng viên tỏ ra lúng túng, thiếu lý lẽ để đấu tranh bác bỏ quan điểm sai trái, phản động, nhằm bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng.
Để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng lười học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay, trước hết, cần xác định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và cán bộ, đảng viên về học tập lý luận chính trị. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên là cơ sở hàng đầu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng học tập lý luận chính trị, khắc phục tình trạng lười học tập lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục giáo dục, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Kết luận số 69-KL/TW ngày 14-4-2010 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quy định 54-QĐ/TW ngày 12-5-1999 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng; Kết luận 57-KL/TW ngày 8-3-2013 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý... bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc, tránh tình trạng quán triệt, triển khai qua loa, hình thức, chiếu lệ, xem nhẹ việc học lý luận chính trị.
Thực hiện nghiêm quy định, chế độ học tập lý luận chính trị gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) yêu cầu: Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương.
Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp, phải coi việc học tập lý luận chính trị là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên và phải được quy định thành chế độ để mọi người tự giác thực hiện nghiêm túc. Đưa chế độ tự học tập, nghiên cứu lý luận chính trị thành tiêu chí bắt buộc trong hoạt động của cán bộ, đảng viên. Thường xuyên, kịp thời cung cấp thông tin về những quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Kịp thời ngăn chặn, không để cán bộ, đảng viên hoang mang, dao động trước những thông tin thất thiệt, xuyên tạc, bịa đặt sai sự thật của các thế lực thù địch trên các trang mạng xã hội.
Không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy lý luận chính trị theo hướng lý luận phải gắn với thực tiễn, phục vụ nhu cầu của người học sao cho giờ học nghị quyết trở nên sinh động, hấp dẫn. Không chỉ truyền giảng nghị quyết một chiều mà cần phải biết vận dụng tri thức lý luận vào thực tiễn, biết khai thác những tư liệu từ kinh nghiệm thực tiễn của cả người dạy lẫn người học để làm giàu tri thức. Trong quá trình giảng dạy, phải lựa chọn nội dung cốt lõi nhất để đi sâu phân tích, truyền thụ, ngắn gọn, súc tích, cô đọng, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ tổ chức thực hiện. Bám sát nghị quyết các cấp, xác định thật cụ thể, rõ ràng khâu đột phá để giải quyết nhiệm vụ then chốt, khâu yếu, mặt yếu, tạo bước phát triển. Khắc phục tình trạng giảng dạy nghị quyết chung chung, dàn trải, kinh viện, xa rời thực tiễn. Coi trọng đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền đạt, quán triệt nghị quyết vừa bảo đảm tính hấp dẫn, tính khoa học, vừa bảo đảm tính thực tiễn; kết hợp tuyên truyền miệng với sử dụng hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng. Đội ngũ báo cáo viên phải được lựa chọn kỹ, là những người có phẩm chất tốt, có kỹ năng và năng lực truyền đạt nghị quyết.
Làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, kết quả học tập lý luận chính trị sau mỗi đợt học tập nghị quyết. Cần tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc đánh giá kết quả học tập gắn với nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên. Đề cao trách nhiệm chính trị và tính tự giác, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong học tập và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao, càng phải gương mẫu học tập, nói và làm theo đúng nghị quyết của Đảng.
Thường xuyên biểu dương những tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện nghiêm, chấp hành tốt việc học tập, nghiên cứu, đồng thời góp ý, phê bình nghiêm khắc đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện lơ là, chưa nghiêm túc trong học tập lý luận chính trị. Phát huy tính tích cực, chủ động của mỗi cán bộ, đảng viên trong tự học tập, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ lý luận chính trị theo phương châm học đi đôi với hành. Với mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần sâu sắc lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Phải thường xuyên học tập, trau dồi phẩm chất chính trị, gắn việc học lý luận với thực tiễn công việc hằng ngày.
Các Mác đã từng khẳng định: Lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất. Nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng. Do đó, phòng, chống, khắc phục tình trạng lười học tập lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên là vấn đề cấp thiết, quan trọng hàng đầu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là biện pháp tích cực giúp cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng, kịp thời nhận diện, phòng ngừa và ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng.
Trần Văn Toàn
Trường Chính trị Lê Duẩn, Quảng Trị