Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” cấp ủy, chính quyền xã Tuân Lộ (Sơn Dương) đã cụ thể hóa công tác dân vận vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương theo hướng rõ việc, rõ người. Nhờ vậy, các mô hình dân vận khéo được thực hiện có hiệu quả.
Ông Nguyễn Tòng Tiến, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Múc Ròm trồng mía năng suất đạt 85 tấn/ha.
Chi bộ thôn Múc Ròm có nhiều sáng tạo trong vận động nhân dân duy trì, phát triển hiệu quả trồng cây mía. Ông Nguyễn Tòng Tiến, 13 năm làm trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn Múc Ròm cho biết: Chi bộ đã ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển cây mía là cây trồng mũi nhọn, bởi thôn chỉ có gần 1 ha đất trồng lúa 1 vụ còn lại chủ yếu là đất bãi vùng ven sông Phó Đáy, phù hợp trồng mía.
Lúc đầu người dân ngại chuyển đổi, chỉ trồng ngô chăn nuôi. Để vận động nhân dân, đảng viên trong chi bộ tiên phong trồng mía trước, sau đó vận động anh em trong nhà trồng cùng để người dân tin tưởng trồng theo. Đến nay, cả 19 ha đất của thôn đều trồng giống mía mới IT 006, kết hợp với đầu tư thâm canh, tăng năng suất, nên mía luôn đạt năng suất từ 80 - 90 tấn/ha. Nhân dân trong thôn còn tham gia trồng và nhân giống mía này cho Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương cung cấp giống cho vùng nguyên liệu.
Anh Nguyễn Đức Hữu là nông dân điển hình trong phát triển kinh tế của thôn Múc Ròm. Gia đình anh có 3 ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 1 ha đất bãi để trồng mía, mỗi năm anh thu hoạch trên 100 tấn mía nguyên liệu, phần đất còn lại anh trồng ngô lấy hạt, trồng cỏ làm thức ăn cho 5 con trâu, bò và trồng rừng. Anh Hữu chia sẻ, trồng mía tuy vất vả nhưng vẫn có thu nhập ổn định, bởi đất này hợp cây mía, năng suất đạt trên 90 tấn/ha. Ngoài ra anh còn phát triển chăn nuôi trâu, bò tận dụng nguồn thức ăn từ lá, ngọn mía. Từ cây mía nhiều hộ trong thôn có cuộc sống khá hơn trước nhiều. Đó là lý do người dân Múc Ròm không bỏ cây mía như nhiều nơi.
Thôn Vĩnh Sơn vừa hoàn thành xây dựng nhà văn hóa gắn với sân thể thao, có tường bao, nhà bếp, nhà vệ sinh, lắp đặt đầy đủ hệ thống điện, nước theo phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”. Để xây dựng được nhà văn hóa, chi bộ, chính quyền thôn Vĩnh Sơn đã lên kế hoạch cụ thể, xác định đặt công tác dân vận lên hàng đầu. Ông Nguyễn Tống Minh, Bí thư Chi bộ cho biết: Làm việc chung là phải công khai dân chủ, theo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Theo đó, chi bộ đã lãnh đạo thôn làm nhà văn hóa, công khai từ chủ trương, kế hoạch xây dựng, lấy ý kiến đóng góp của người dân về mọi việc sau đó mới triển khai xây dựng.
Khi triển khai lấy đảng viên làm nòng cốt vận động người dân đóng góp tiền của, ngày công san ủi mặt bằng. Sau 8 tháng, nhà văn hóa thôn đã cơ bản hoàn thành với sự đóng góp trên 200 triệu đồng của 94 hộ dân và hàng trăm công lao động, vệ sinh. Đảng viên trẻ Bùi Văn Huy cho biết, khi chi ủy phân công phụ trách vận động nhóm hộ đóng góp làm nhà văn hóa gắn với sân thể thao, anh đã gặp gỡ tìm hiểu tâm tư cũng như điều kiện của các hộ dân để báo cáo chi bộ có phương án làm hợp với hoàn cảnh của từng hộ dân. Theo đó, đối với những hộ có điều kiện đóng góp 1 hoặc 2 lần, còn đối với các hộ kinh tế trung bình có thể đóng góp thành nhiều lần vì thế đã đảm bảo thu đúng, thu đủ.
Ngoài việc vận động người dân tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở, những đảng viên ở Vĩnh Sơn còn là những điển hình trong phát triển kinh tế. Điển hình như trưởng thôn Nguyễn Đức Khu với mô hình kinh tế tổng hợp chăn nuôi lợn thương phẩm, trâu sinh sản, trồng mía mỗi năm thu lãi 200 triệu đồng; đảng viên Bùi Văn Huy chăn nuôi lợn thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm... Từ những mô hình kinh tế này, phong trào phát triển kinh tế của thôn ngày càng được mở rộng. Thôn hiện duy trì hiệu quả 19 ha mía, 100 con trâu, bò và hàng ngàn con lợn... thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 3 triệu đồng/người/tháng. Với những kết quả đạt được, cấp ủy, chính quyền và nhân thôn Vĩnh Sơn được Huyện ủy Sơn Dương khen thưởng là điển hình dân vận khéo của huyện giai đoạn 2016 - 2018.
Bài, ảnh: Trang Tâm