Ban Tổ chức Tỉnh ủy hướng dẫn công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; đại hội chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở

Thứ Năm, ngày 14 tháng 11 năm 2024 - 14:26 Đã xem: 20

Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 12-HD/BTCTU ngày 01/11/2024 Một số nội dung về công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2027; đại hội chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Căn cứ Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về thi hành Điều lệ Đảng; Căn cứ Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021 của của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng; Căn cứ Quy chế bầu cử trong Đảng (Kèm theo Quyết định số 190-QĐ/TW ngày 10/10/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII); Thực hiện Kế hoạch số 525-KH/TU ngày 19/9/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ ban hành hướng dẫn một số nội dung về công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2027; đại hội chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025 - 2030. Một số nội dung chính sau:
I- CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI
1. Chuẩn bị các tài liệu trong đại hội
- Chuẩn bị văn kiện đại hội, gồm có: (1) Báo cáo chính trị; (2) Báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (sau đây gọi chung là cấp ủy); đối với chi bộ không có cấp ủy thì nội dung kiểm điểm hoạt động của bí thư, phó bí thư là một mục trong báo cáo chính trị.
- Các tài liệu trong đại hội: Báo cáo chính trị của đảng bộ, chi bộ; báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành đảng bộ, chi bộ; dự thảo nghị quyết đại hội; chương trình đại hội; nội quy đại hội; quy chế làm việc của đại hội; báo cáo tổng hợp ý kiến tham gia vào dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và dự thảo văn kiện đại hội đảng bộ cấp trên trực tiếp; các báo cáo tham luận tại đại hội; báo cáo tình hình đảng viên tham dự đại hội (đối với đại hội đảng viên); báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu (đối với đại hội đại biểu); tài liệu cho ban thẩm tra tư cách đại biểu về tình hình, kết quả bầu cử đại biểu và những vấn đề liên quan đến tư cách đại biểu; tài liệu cho đoàn chủ tịch (chủ tịch) đại hội để trả lời các vấn đề do đảng viên, đại biểu dự đại hội yêu cầu liên quan đến các ứng cử viên; tài liệu cho cấp ủy khóa mới để bầu các chức danh lãnh đạo của cấp ủy, ủy ban kiểm tra khóa mới trong phiên họp lần thứ nhất; ...
2. Chuẩn bị nhân sự cấp ủy
- Cấp ủy đương nhiệm xây dựng các đề án nhân sự và xin ý kiến của cấp có thẩm quyền trước khi làm quy trình nhân sự:
+ Đối với đảng bộ cơ sở, gồm 04 đề án nhân sự sau: (1) Đề án nhân sự ban chấp hành; (2) Đề án nhân sự ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; (3) Đề án nhân sự ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra; (4) Đề án nhân sự đoàn đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.
+ Đối với chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, chi bộ cơ sở, gồm 02 đề án nhân sự sau: (1) Đề án nhân sự ban chấp hành, bí thư, phó bí thư; (2) Đề án nhân sự đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên.
3. Chuẩn bị nhân sự các cơ quan điều hành, giúp việc đại hội
- Đối với đảng bộ cơ sở, cấp ủy đương nhiệm dự kiến nhân sự: Đoàn chủ tịch đại hội từ 03 đến 05 người; Đoàn thư ký đại hội từ 02 đến 03 người; Ban thẩm tra tư cách đại biểu (đối với đại hội đại biểu) từ 03 đến 05 người.
- Đối với chi bộ có từ 09 đảng viên trở lên, chi ủy dự kiến nhân sự: Đoàn chủ tịch đại hội từ 02 đến 03 người; Đoàn thư ký đại hội từ 01 đến 02 người.
- Đối với chi bộ dưới 09 đảng viên, dự kiến nhân sự: Chủ tịch đại hội 01 người và thư ký đại hội 01 người.
4. Triệu tập đại hội
- Cấp ủy; bí thư, phó bí thư (nơi không có cấp ủy) quyết định và thông báo thời gian khai mạc đại hội trước 30 ngày làm việc.
- Thành phần triệu tập dự đại hội:
+ Đối với đại hội đại biểu, cấp ủy triệu tập đại hội thông báo số lượng đại biểu dự đại hội và phân bổ đại biểu cho các chi bộ trực thuộc.
+ Đối với đại hội đảng viên, cấp ủy, bí thư, phó bí thư (nơi không có cấp ủy) triệu tập đảng viên đang sinh hoạt chính thức của đảng bộ, chi bộ, đảng viên đã chuyển sinh hoạt tạm thời, đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng.
+ Đảng viên sinh hoạt tạm thời không tính vào đảng số của đảng bộ, chi bộ nơi sinh hoạt tạm thời mà tính vào đảng số của đảng bộ, chi bộ nơi sinh hoạt chính thức. Nếu được cấp ủy nơi sinh hoạt tạm thời triệu tập dự đại hội thì thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của đảng viên ở nơi sinh hoạt tạm thời, trừ quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử.
II- TỔ CHỨC ĐẠI HỘI
1. Nghi thức trong đại hội
- Nghi thức chào cờ: Khi chào cờ, tất cả mọi người tham gia chào cờ đứng nghiêm, hướng về cờ Tổ quốc, cờ Đảng và hát lời 1 bài Quốc ca, Quốc tế ca (nơi có điều kiện có thể sử dụng băng, đĩa nhạc không lời và đại biểu, đảng viên hát trên nền nhạc). Tổ chức đảng trong lực lượng vũ trang thực hiện theo nghi lễ quy định của ngành.
- Diễn văn khai mạc đại hội bao gồm các nội dung: Lý do, ý nghĩa tổ chức đại hội; giới thiệu đại biểu; khái quát quá trình công tác chuẩn bị đại hội; yêu cầu, nhiệm vụ của đại hội; khẩu hiệu của đại hội (hoặc phương châm của đại hội), trách nhiệm của đại biểu (đảng viên) dự đại hội.
- Diễn văn bế mạc đại hội bao gồm các nội dung: Khái quát về kết quả đại hội (thảo luận, thông qua các báo cáo, kết quả bầu cử); lời cảm ơn của đại hội (bao gồm các nội dung: Cảm ơn cấp ủy cấp trên trực tiếp, các tổ chức, cá nhân đã chúc mừng đại hội; cảm ơn các tiểu ban giúp việc đại hội, các bộ phận giúp việc, …); khẩu hiệu hành động, lời kêu gọi của đại hội.
2. Trình bày báo cáo và thảo luận trong đại hội
- Đoàn chủ tịch (chủ tịch) đại hội nên trình bày tóm tắt báo cáo chính trị, báo cáo toàn văn gửi trước cho đại biểu (đảng viên) nghiên cứu.
- Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy là báo cáo chính thức, ghi số văn bản phát hành, thay mặt cấp ủy ký tên, đóng dấu của cấp ủy cơ sở (đối với chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở đóng dấu treo của đảng ủy cơ sở phía trên, góc trái trang đầu của văn bản).
- Trong thảo luận, tùy tình hình cụ thể, đoàn chủ tịch (chủ tịch) đại hội lựa chọn nội dung tham luận và bố trí thảo luận trong chương trình đại hội cho phù hợp, nhất là ở những đảng bộ, chi bộ có nhiều đại biểu (đảng viên) đăng ký phát biểu thảo luận và những đảng bộ cơ sở thực hiện thí điểm đại hội trực tiếp bầu bí thư cấp ủy.
- Đoàn chủ tịch (chủ tịch) đại hội kết luận phần thảo luận theo từng báo cáo và lấy biểu quyết một số nội dung dự kiến đưa vào nghị quyết đại hội.
III- CÔNG VIỆC SAU ĐẠI HỘI
1. Đối với cấp ủy khóa mới
- Tổ chức phiên họp thứ nhất của cấp ủy khóa mới (đối với những nơi chưa họp phiên thứ nhất trong đại hội) theo quy định tại Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, Quy chế bầu cử trong Đảng (Kèm theo Quyết định số 190-QĐ/TW ngày 10/10/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII) và hướng dẫn của Trung ương.
- Chậm nhất 7 ngày làm việc sau đại hội, cấp ủy khóa mới phải báo cáo lên cấp ủy cấp trên trực tiếp biên bản bầu cử cấp uỷ, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, uỷ viên uỷ ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra, danh sách trích ngang, sơ yếu lý lịch của từng thành viên.
- Bí thư khóa trước bàn giao công việc cho bí thư mới trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi có bí thư mới. Trường hợp chưa bầu được chức danh bí thư thì cấp ủy khóa mới thống nhất phân công đồng chí phó bí thư ký các văn bản với chức danh phó bí thư.
- Sau khi có quyết định chuẩn y của cấp có thẩm quyền, thì các đồng chí phó bí thư, uỷ viên thường vụ, phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra mới được ký tên với chức danh tương ứng trong các văn bản của đảng bộ và của uỷ ban kiểm tra.
- Xây dựng quy chế làm việc, chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội cấp mình; phân công nhiệm vụ cho cấp ủy viên theo phân cấp quản lý cán bộ.
- Hoàn hiện các văn kiện, nghị quyết đại hội.
- Biên mục, lập hồ sơ đại hội lưu trữ theo quy định.
- Giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có).
- Báo cáo kết quả đại hội với cấp ủy cấp trên trực tiếp; tổ chức rút kinh nghiệm sau đại hội cấp mình.
- Mở sổ đăng ký văn bản cho nhiệm kỳ mới, sổ văn bản đi đánh số riêng theo thể loại cho cả nhiệm kỳ, sổ văn bản đến đánh số theo năm.
2. Đối với cấp ủy cấp trên trực tiếp
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở về kết quả bầu cử thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp (đảng ủy cơ sở hoặc ban thường vụ cấp ủy cấp huyện) chuẩn y ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; ủy viên ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp uỷ cấp dưới.
- Sau đại hội, nếu phát hiện thấy có sự vi phạm về tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục bầu cử thì cấp ủy cấp trên trực tiếp có quyền bác bỏ kết quả bầu cử của đại hội hoặc của cấp ủy cấp dưới, chỉ đạo tiến hành bầu lại; nếu thấy có một hoặc một số chức danh đã được bầu nhưng không bảo đảm nguyên tắc hoặc tiêu chuẩn quy định thì cấp ủy cấp trên có quyền không công nhận kết quả bầu cử của một hoặc một số chức danh đó.
IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy phân công, giao nhiệm vụ cho các đồng chí ủy viên ban thường vụ cấp ủy, dự và chỉ đạo đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở; chỉ đạo cấp ủy cơ sở căn cứ hướng dẫn này và điều kiện cụ thể của địa phương, cơ quan, đơn vị để tổ chức tốt đại hội chi bộ, đảng bộ theo quy định.

Nội dung chi tiết Hướng dẫn số 12-HD/BTCTU tại đây.

                                                                                                                             Đỗ Văn Ngọc
                                                                                                            Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang

 

 

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG

Tổng số: 21 | Trang: 1 trên tổng số 3 trang  
Xem tin theo ngày:   / /